Lữ Khách
Phản hồi về việc Bộ GTVT tố ông mạo danh Tiến sĩ, ông Trần Đình Bá biện minh: “Bằng kiến thức thực tế và nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Riga và Đại học Hàng không Riga – Liên xô cũ, tôi đã nghiên cứu thành công “Luận án Tiến sỹ giải pháp mở rộng để hiện đại Đường sắt quốc gia tốc độ cao 150-200 km/h” nhằm khai thông trục giao thông quốc gia, giảm thiểu TNGT. Tôi đã gửi sáng kiến dự thi hiến kế và đoạt giải, đáng tiếc Bộ GTVT lúc đó không áp dụng mà biến tướng sáng kiến mở rộng ĐS (đường sắt – PV) quốc gia 1.435 của tôi thành Siêu dự án ĐSCT (đường sắt cao tốc – PV) 56 tỷ USD, bị Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ.

Ông Trần Đình Bá
Luận án Tiến sỹ đặc biệt của tôi đã được gửi đến Thủ tướng xem xét, tôi đã nhận trách nhiệm Tiến sỹ trước Thủ tướng để cứu lấy sự nghiệp ĐS quốc gia đang ngày càng đứng trước nguy cơ phá sản, sau khi nghiên cứu xong Thủ tướng đã giao cho Văn phòng Chính phủ số 1575 / VPCP ngày 16/3/2011 chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện song vẫn không chịu nghiệm thu Luận án Tiến sỹ và trao bằng Tiến sỹ cho tôi.” .
“Thật may, sau khi gửi thông tin qua địa chỉ email của ông Bá, chúng tôi đã nhận được hồi âm. Nhưng nội dung chính của câu hỏi đặt ra là: Đề tài tiến sĩ của ông là gì? Được bảo vệ tại hội đồng nào? Năm nào? Ai là người hướng dẫn? thì ông Bá không trả lời. Thay vào đó, ông Bá đã gửi lại cho chúng tôi một email, có nội dung: “Bằng kiến thức thực tế và nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Riga và Đại học Hàng không Riga - Liên Xô cũ, tôi đã nghiên cứu thành công “Luận án tiến sĩ giải pháp mở rộng để hiện đại đường sắt quốc gia tốc độ cao 150-200 km/h” nhằm khai thông trục giao thông quốc gia nhằm giảm thiểu TNGT... Luận án tiến sĩ đặc biệt của tôi đã được gửi đến Thủ tướng xem xét…”.
Trong nội dung trả lời này ông Bá tự mâu thuẫn khi ở đoạn đầu thì nhận rằng: “Tôi đã nghiên cứu thành công “Luận án tiến sĩ giải pháp mở rộng để hiện đại đường sắt quốc gia tốc độ cao 150-200 km/h”; nhưng ở dưới lại thừa nhận: “… song vẫn không chịu nghiệm thu luận án tiến sĩ và trao bằng tiến sĩ cho tôi…”. Như vậy, rõ ràng ông Bá thừa nhận mình chưa có bằng tiến sĩ.(Nguồn: Báo Lao Động).
Ở đây, ông Bá đang nhầm lẫn tai hại, một sự vịn cớ không rõ ràng! Theo ông Bá thì chính những lập luận, những trả lời của ông trên báo chí đầy mâu thuẫn, khập khiễng. Người mang học vị Tiến sĩ là trải qua con đường học hành, nghiên cứu rồi làm luận văn, luận án cho mình. Sau đó bảo vệ luận án này trước Hội đồng phản biện, nếu luận án này sát với thực tế, đúng là sản phẩm của người bảo vệ, thuyết phục được Hội đồng phản biện thì sẽ được công nhận học vị Tiến sĩ. Để có được học vị Tiến sĩ cũng không phải “mì ăn liền” mà phải qua một thời gian lâu dài “dùi mài kinh sử” đầy gian khổ.
Xin thưa ông Bá rằng, luận án chỉ là luận án và nó cũng chỉ mới là công trình nghiên cứu mà thôi. Nếu cứ nghiên cứu một vấn đề thành một luận án rồi tự nhận vơ mình là Tiến sĩ thì trên đất nước hình chữ S này rất rất nhiều Tiến sĩ, sớm và trước hơn cả ông Bá. Ví dụ như, gần đây, có người dân ở Nghệ An tự làm xe ô tô tự chế và lái đi chơi xung quanh hay có người đã chế tạo được xe máy theo phong cách riêng (vẻ bề ngoài của xe)…thì họ đều trở thành Tiến sĩ hết, phỏng?
Một sinh viên đỗ ĐH, nhập học và theo tiến trình của ngôi trường theo học là mỗi một khóa học kéo dài 4 năm nhưng sinh viên ấy gặp một vài lý do nào đó mà vẫn chưa thể tốt nghiệp được, thì có ai gọi sinh viên ấy là cử nhân hay không? Một ví dụ trần trụi khác, ví dụ như, một trai, một gái yêu nhau nhưng vẫn chưa đăng ký kết hôn, chưa cưới thì vẫn chưa phải là vợ chồng chính thức.
Vì vậy, thiết nghĩ, ông Bá nghiên cứu, làm luận án thì cứ nghiên cứu, làm luận án cho thật tốt. Và có chăng khi xưng danh vị thì tự xưng là “Nhà nghiên cứu” cũng là chuẩn rồi, chứ sao lại nhận vơ mình là Tiến sĩ, trong khi mình chưa được cộng nhận bằng Tiến sĩ ở một môi trường nào cả?