Gió làng
Theo VOA Tiếng Việt, Chủ tịch Ủy ban Đối
ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce, ngày 21/12 đã gửi thư cho đại sứ Hoa Kỳ tại
Việt Nam, thúc giục nêu “quan ngại” với Hà Nội về Luật Tôn giáo Tín ngưỡng dự
kiến có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/18 với các điều khoản cho phép nhà cầm
quyền Việt Nam giới hạn hoạt động tôn giáo một cách tùy tiện.
Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ
Dân biểu Ed Royce nói Luật Tôn giáo Tín
ngưỡng của Việt Nam đòi hỏi mọi tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và
báo cáo hoạt động. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho rằng nội dung cấm
các hoạt động tôn giáo gây phương hại quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền,
trật tự-an toàn xã hội, và môi trường là những ngôn từ mơ hồ nhằm tiếp tay cho
nhà cầm quyền siết chặt kiểm soát, đàn áp tôn giáo?!.
Rõ ràng, những đánh giá của vị dân biểu
Ed Royce là không khách quan, thậm chí còn cố tình xuyên tạc, bôi đen tình hình
tôn giáo ở Việt Nam.
Trước tiên cần khẳng định rằng, trên thế
giới, không có nơi nào tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động “tự do vô chính phủ” mà đều
có những hạn chế theo các quy định của pháp luật, vì một nền trật tự an ninh
chung, vì sức khỏe cộng đồng, vì đạo đức xã hội hoặc vì sự bảo vệ các quyền và
tự do của người khác.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng, Nhà nước
Việt Nam luôn nhất quán quan điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của
một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc”; từ đó, kiên trì chính
sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân và
đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Các bản Hiến pháp của Nhà nước ta đều quy định
rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “(1) Mọi người có quyền tự
do tín ngưỡng. (2) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo. (3) Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Không chỉ thể hiện trong Hiến pháp,
trong từng giai đoạn cụ thể, để đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng,
trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và đòi hỏi từ
thực tiễn, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật
liên quan trực tiếp đến bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Tiêu biểu, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội
ban hành năm 2004, tạo hành lang pháp lý để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng như chính sách của Nhà nước đối với
tôn giáo, quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, qua thực tiễn, Pháp lệnh tín
ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng bộc lộ một số
điểm bất cập cần khắc phục. Cùng với đó, thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn
giáo và công tác quản lý Nhà nước đặt ra những yêu cầu mới, nhiều vấn đề phát
sinh đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh
tín ngưỡng, tôn giáo. Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi rất quan
trọng liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
mọi người dân... Vì vậy, việc ban hành luật để cụ thể hóa đầy đủ nội dung, quy
định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
càng trở nên cần thiết và cấp bách.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội
thông qua ngày 18/11/2016 với 9 chương, 68 Điều bên cạnh các nội dung kế thừa từ
các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP
ngày 18/12/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh
Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đã bổ sung các quy định mới nhằm đảm bảo ngày càng tốt
hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Đó là việc mở rộng phạm vi chủ thể có
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “ mọi người”; bổ sung
riêng một Chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phản ánh rõ hơn phạm vi
điều chỉnh của dự thảo Luật cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của
Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi
người. Điều chỉnh về quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo để mọi người có quyền
bày tỏ niềm tin tôn giáo; thay đổi thẩm quyền giải quyết đối với một số hoạt động
tôn giáo giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi
hơn cho các tổ chức tôn giáo; mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người
nước ngoài ở Việt Nam nhằm phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; mở rộng các hoạt
động của tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo theo hướng phù
hợp với các quy định pháp luật có liên quan; khuyến khích và tạo điều kiện cho
các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào các
hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo; Luật cũng phân định trách nhiệm
của các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.định cụ thể
trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản
lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng,
tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn
dân tộc, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc…
Sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là điều không thể phủ nhận, vậy mà Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce vẫn cho rằng đây là việc làm “tiếp tay cho nhà cầm quyền siết chặt kiểm soát, đàn áp tôn giáo”. Điều này chứng tỏ vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vẫn có những cái nhìn định kiến, thiếu thiện chí về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam./.