Loa phường - Vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn
giáo Quốc tế (USCIRF) đã ra bản báo cáo tình hình tự do tôn giáo trên thế giới
năm 2018. Trong đó, USCIRF cho rằng: "Việt Nam là một trong những nước vi
phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và nên được chính phủ Mỹ đưa vào một
danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo. Báo cáo hàng năm của
ủy hội độc lập và lưỡng đảng này của chính phủ liên bang Hoa Kỳ ghi nhận những
vụ vi phạm tự do tôn giáo và tiến bộ ở 28 nước, trong đó có Việt Nam, và đưa ra
khuyến nghị với chính phủ Hoa Kỳ". Đây là điều không có gì ngạc nhiên đối
với những ai quan tâm đến vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Bởi lẽ,
đây không phải lần đầu tiên USCIRF có những hành động can thiệp thô bạo vào
công việc nội bộ của Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, vị thế của Việt Nam
trên trường quốc tế.
VOA cổ súy cho các hoạt động chống
phá chính quyền nhân dân của USCIRF
Chắc hẳn chúng ta đều biết rằng tại
khoản 7, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định: “Hiến chương này hoàn
toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào các công việc thực chất
thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của
Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của
Hiến chương…”. Trong đó, công việc nội bộ của mỗi quốc gia được hiểu là công việc
nằm trong thẩm quyền giải quyết của mỗi quốc gia độc lập xuất phát từ chủ quyền
của mình, đó là quyền tối thượng của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình như:
quyền tự do lựa chọn, tự do xây dựng và phát triển chế độ chính trị, kinh tế,
văn hóa - xã hội phù hợp với nguyện vọng của nhân dân; quyền lập pháp, hành
pháp, tư pháp và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế như quyền độc lập thiết lập
mối quan hệ với bất kỳ quốc gia nào, quyền tự do tham gia vào các tổ chức quốc
tế khu vực và phổ cập,… Đồng thời, nguyên tắc này không cho phép bất kỳ quốc
gia nào dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù văn minh hay lạc hậu được quyền
can thiệp vào các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia, xuất
phát từ chủ quyền của mình. Việc USCIRF kêu gọi sử dụng "những công cụ có
mục tiêu" nhắm vào các quan chức và cơ quan cụ thể của Việt Nam bị xác định
là có tham gia hoặc chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền và tự do tôn
giáo, bao gồm cả từ chối visa và phong tỏa tài sản theo Đạo luật Magnitsky Toàn
Cầu đã xâm hại, vi phạm nguyên tắc của Liên Hiệp quốc mà Mỹ cũng là một bên
tham gia kí kết.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong pháp luật
quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế
giới. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Quyền này được thể hiện rõ ở những
quan điểm, chủ trương, hiến pháp, pháp luật và được bảo đảm thực hiện trên thực
tế.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã khẳng
định quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước phải thừa nhận, tôn trọng và
cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền con người đúng như những công ước quốc tế mà Việt
Nam là thành viên. Trong khi đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được trình
bày mở rộng hơn, với các chế định toàn diện và sâu sắc theo hướng ngày càng
hoàn thiện, dân chủ, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho tín đồ các tôn giáo
và tổ chức tôn giáo hoạt động một cách lành mạnh và công bằng nhất. Điều đó đã
cho thấy Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo,
coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn
trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhất quyền đó.
Điều 24, Chương II, Hiến pháp năm
2013 đã quy định:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước
pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng,
tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Hiện nay 95% dân số Việt Nam có đời
sống tín ngưỡng, tôn giáo và Việt nam là một quốc gia có nhiều loại hình tín
ngưỡng tôn giáo. Chỉ tôn giáo nói riêng, Việt Nam có 15 tôn giáo với 41 tổ chức
tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, hơn 24,3 triệu
tín đồ (chiếm khoảng 27%) dân số cả nước, hơn 53 nghìn chức sắc, nhà tu hành, gần
134 nghìn chức việc và gần 28 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo lớn xuất hiện ở
hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày
một tự do, nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động. Đây là minh
chứng không thể sống động hơn về thực trạng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở
Việt Nam.
Có thể thấy rằng việc USCIRF cho rằng Việt Nam là một trong những nước vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và nên được chính phủ Mỹ đưa vào một danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giá là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Hoa Kỳ. Vì vậy chúng ta cần lên án hành động ngông cuồng của USCIRF, không để các đối tượng xấu lợi dụng để kích động người dân gây rối an ninh trật tự.