Nam Việt
Ngày 01 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã
ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai
đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đề án hướng tới mục tiêu
phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững ở Việt Nam, hướng tới tăng trưởng
xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng
cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên, con
người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với
các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng,
quản lý phát triển ĐTTM; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn; nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền
kinh tế, hội nhập quốc tế.
Theo từng giai đoạn, Đề án đặt mục tiêu đến
năm 2020 xây dựng nền cơ sở pháp lý phát triển ĐTTM, tiến hành công tác chuẩn
bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị; rà soát, xây dựng
khung pháp lý chung về phát triển ĐTTM bền vững, ban hành các cơ chế chính sách
áp dụng cho các khu vực triển khai thí điểm; xây dựng mô hình phù hợp trong
quản lý dân cư, giao thông, đất đai và đầu tư xây dựng tại các khu vực đô thị
thực hiện thí điểm; xây dựng CSDL đô thị quốc gia giai đoạn 1.
Đến năm 2025 là thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển ĐTTM,
bao gồm: xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp
luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng
Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM tại Việt Nam; công bố các tiêu chuẩn quốc
gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các ĐTTM, ưu tiên cho
các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và
xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai và hệ thống hạ
tầng ICT; phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu
đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại các đô thị thí điểm giai
đoạn 1…
Hà Nội hiện đang là một
trong những địa phương đi đầu trong việc hiện thực hóa chủ trương trên của Đảng,
Nhà nước. Các đơn vị chức năng đã hoàn thành dự thảo Đề án thí điểm mô hình
chính quyền đô thị tại Hà Nội và tổ chức triển khai lấy ý kiến rộng rãi của Hội
đồng lý luận Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí nguyên
lãnh đạo TP. Hà Nội để có đủ cơ sở hoàn thành Đề án báo cáo Bộ Chính trị. Có thể thấy rằng, việc xây dựng Đề án trong giai
đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế -
xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Mô hình chính quyền đô thị theo hướng đô thị
thông minh - xu thế phát triển trong thời đại 4.0
Hà Nội còn tồn tại
nhiều vấn đề để có thể triển khai mô hình chính quyền đô thị
Hà Nội cũng như một số TP lớn, mặc dù đóng vai
trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và có những chuyển biến tích cực,
nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng điều dễ nhận thấy là bộ máy quản lý
đô thị hiện nay vẫn có những bất cập. Trước hết là cách thức tổ chức thiếu cơ động,
thậm chí không có sự khác biệt giữa chính quyền quản lý khu vực đô thị và nông
thôn.
Theo mô hình quản lý hiện nay, dù đã có sự phân cấp
nhưng nhiều vấn đề “nóng” vẫn phải chờ xin ý kiến từ cấp trên. Trong khi việc
quản lý lại qua rất nhiều cấp, nhiều tầng nấc nên để giải quyết được thì sự việc
đã "nguội". Do đó, cần thiết phải có sự phân cấp quản lý hợp lý giữa
chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị để các đô thị chủ động tự quyết định,
tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đây được cho là một trong những
trở ngại lớn nhất vì việc triển khai mô hình chính quyền đô thị theo hướng ĐTTM
sẽ tác động trực tiếp, làm thay đổi căn bản cơ chế điều hành, quản lý vốn có
trong giai đoạn hiện nay.
“Với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và
Việt Nam, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử, cuộc cách mạng 4.0 và
hình thành các đô thị thông minh hiện nay đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ
trong nhận thức, phương thức quản lý, tác động đến các cơ quan nhà nước, đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân, DN và xã hội”, Chủ tịch UBND
TP Nguyễn Đức Chung đã phát biểu trong Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận,
huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành
phố Hà Nội. Do đó, để thay đổi
tư duy quản lý theo phương pháp hiện hành bằng một tư duy quản lý theo hướng mới
là việc làm không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được.
Thực tế hiện nay, Hà Nội đang triển khai mô hình
chính quyền đô thị một cách thận trọng, chắc chắn, chủ động tiếp thu ý kiến từ
các chuyên gia để việc triển khai diễn ra đúng lộ trình, đạt hiệu quả cao. Nói
cách khác, Hà Nội đang đi "chậm" trên con đường đến đô thị thông
minh.
Có thể đi chậm
nhưng phải đến đích
Như vậy, có thể khẳng định xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo hướng ĐTTM là xu thế phát triển bắt buộc để bắt kịp nhịp độ phát triển của các
đô thị lớn trong khu vực và quốc tế. Nếu không theo kịp thì nguy cơ tụt hậu xa
hơn về kinh tế, văn hóa, chính trị của Thủ đô sẽ không còn ở mức độ tiềm ẩn nữa
mà sẽ là hiện hữu trong tương lai gần. Chậm ở đây không có nghĩa là dừng lại mà
thể hiện quan điểm thận trọng, chắc chắn, để việc thực hiện chủ trương từ khâu
chuẩn bị, lập đề án đến khi triển khai đạt được yêu cầu như mong muốn. Hình
thành, vận hành hiệu quả mô hình chính quyền đô thị theo hướng ĐTTM mới là cái
đích cần phải đạt đến và cần phải quan tâm hơn cả.
Với phương pháp
làm việc khoa học, hiệu quả; chủ động tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, hy vọng
rằng mô hình ĐTTM sẽ sớm được triển khai tại Hà Nội. Qua đó, đưa Hà Nội trở
thành một trong những "điểm sáng" về ĐTTM trong thời gian tới./.