(Tiếp theo và hết)
Từng là một "ngọn
cờ chống cộng" trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nhưng chỉ sau một thời
gian, Luật sư Phùng Tuệ Châu đã tỉnh ngộ và dần nhận ra bản chất xấu xa của hoạt
động này. Từ đó bà chọn con đường đấu tranh vì chính nghĩa, lên tiếng tố cáo, vạch
trần âm mưu lợi dụng chiêu bài "đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền"
để xuyên tạc các nỗ lực, thành tựu mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được.
Trong chuyến về thăm quê hương tháng 10-2019, Luật sư Phùng Tuệ Châu có cuộc
trò chuyện trên hai trang Youtube Văn hóa Việt Nam TV và Viet vision. Báo Nhân
Dân lược ghi nội dung hai cuộc trò chuyện để giới thiệu với bạn đọc.
Nhà báo Nguyễn Trường (NT): Chị quyết định về Việt Nam khi nào?
Luật sư Phùng Tuệ Châu (PTC): Tôi không nhớ chính xác mình trở
về Việt Nam vào năm nào. Nhưng sự kiện ấn tượng nhất là khi Ủy ban Nhà nước về
người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở
nước ngoài lần thứ nhất. Tôi về cùng nhiều người Việt ở hải ngoại nhưng chỉ có
mình tôi đến từ quận Cam (Orange County, một khu vực thuộc California -
Ca-li-pho-ni-a, Mỹ).
NT: Tại thời điểm đó, chị suy nghĩ gì về quê hương đất nước?
PTC: Khi tôi rời khỏi Việt Nam, quê hương mình còn nghèo. Khi tôi
trở về, quê hương đã thay đổi rất nhiều. Anh Ðinh Viết Tứ về nhiều lần hơn tôi.
Anh tâm sự: "Chị Châu ơi! Cứ mỗi lần tôi về thì lại có một sự thay đổi
hoàn toàn khác lạ. Chị nên đi về đi". Tôi về và thấy quê hương thật sự đã
thay đổi, và tôi mừng vì sự thay đổi đó. Tôi tiếp tục gắn kết tư tưởng của mình
với quê hương và càng chán ghét bọn chống cộng.
NT: Hồi ấy tôi làm ở báo Viet Weekly, sau khi về Việt Nam đưa
tin sự kiện APEC năm 2006, rồi từ Việt Nam trở lại hải ngoại, chúng tôi phải
đối diện với cộng đồng càng lúc càng tỏ ra cực đoan hơn. Có thể thấy nếu báo
chí ở đó tôn trọng tự do ngôn luận để cộng đồng ở Bolsa biết được thông tin ở
Việt Nam thì mọi chuyện đã không đến nỗi như vậy. Họ tự nhận là người tự do,
mang dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, nhất là tự do ngôn luận, song khi đất
nước mở cửa, họ lại đóng cửa với Việt Nam. Ðến mức Ủy ban Nhà nước về người
Việt Nam ở nước ngoài mời người Việt ở nước ngoài về đi thăm Trường Sa, họ cũng
đóng cửa. Ngược lại, họ lại rêu rao là Việt Nam không có tự do ngôn luận,
"bán biển, bán đảo...". Họ tuyên truyền như vậy nhưng mặt khác lại
ngăn cản các nhà báo về Việt Nam. Trước đó, chị Phùng Tuệ Châu biết đến Việt
Nam qua Luật sư Ðinh Viết Tứ. Và như vậy, qua các biến chuyển, chúng ta thấy
chị Phùng Tuệ Châu đã dấn thân như bây giờ. Khi đó, chị có cảm thấy lẻ loi
không?
PTC: Tôi cũng không ngờ được đi các bước đầu tiên để mời gọi mọi
người trở về quê hương. Bởi vì mọi người ở bên đó đều ra đi từ Việt Nam. Chúng
ta phải hướng về quê hương như một căn nhà phải có cha, có mẹ. Và Tổ quốc, quê
hương phải có người lãnh đạo. Hiện nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo
đất nước, mình phải chấp nhận, đồng thuận với họ.
NT: Năm 2004, Nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt
Nam ở nước ngoài ra đời. Nghị quyết 36 kêu gọi mọi người ở khắp nơi trên thế
giới cùng chung tay xây dựng đất nước. Chị đánh giá thế nào về Nghị quyết 36?
PTC: Nhà nước muốn kêu gọi sự trở về của những con dân đất Việt,
vì Nhà nước muốn có một sự đoàn kết từ trong đến ngoài để đưa Việt Nam thành
một quốc gia giàu, mạnh. Ðó là việc mình phải ủng hộ.
NT: Một số người chống cộng lại cho rằng đây là vấn đề mị dân,
dụ dỗ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp để "củng cố chế độ cộng
sản". Chị nghĩ sao về luận điểm của họ?
PTC: Luận điểm của họ là việc của họ. Họ tìm mọi cách đối đầu
với Nhà nước Việt Nam, nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam để "trở về lãnh đạo
đất nước". Họ muốn có chiến tranh, nhưng thử hỏi có ai trong số họ xứng
đáng thay thế Ðảng Cộng sản Việt Nam. Không lẽ tôi lại ủng hộ Phan Kỳ Nhơn, Ngô
Kỷ, hay là "liên hội cựu chiến sĩ hàng không"... Ủng hộ họ làm
"tổng thống" thì thà... tôi ủng hộ chính mình còn hơn. Tôi ủng hộ
Ðảng Cộng sản Việt Nam không phải vì mình là "tay sai", mà vì những
gì họ đã làm được cho đất nước và nhân dân của tôi.
NT: Chị đánh giá các kênh truyền thông của người Việt ở hải
ngoại hiện nay như thế nào?
PTC: Kênh truyền thông ở hải ngoại hiện nay chỉ muốn áp bức
chúng ta. Bất cứ tổ chức nào đi theo đường lối của Ðảng Cộng sản Việt Nam vì sự
thanh bình của đất nước đều bị lên án là tay sai cộng sản. Tôi luôn tin con
đường mình đi là đúng. Họ đòi tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng lại xuyên tạc,
ngăn cản công việc của tôi. Vậy họ đâu có thật sự tranh đấu cho tự do, dân chủ.
NT: Chị đã mắt thấy tai nghe cuộc sống người Việt Nam trên một
đất nước Việt Nam thanh bình. Chúng tôi đã cùng chị Phùng Tuệ Châu thăm Trường
Sa, đã thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền và những khó khăn nơi hải đảo. Khi trở
về Mỹ, chị suy nghĩ gì về cộng đồng chống cộng ở hải ngoại?
PTC: Tôi chán họ và chính người dân hải ngoại cũng chán họ. Nay
họ không thể kêu gọi đi biểu tình nữa. Bằng chứng là thời gian gần đây, khi một
nghệ sĩ trong nước mà họ thường gán cho là cộng sản sang Mỹ biểu diễn, chỉ có
vài ba chục người biểu tình phản đối thôi. Tôi đánh giá họ là những kẻ vẫn hận
thù với Ðảng Cộng sản Việt Nam.
NT: Số người đi biểu tình ngày một giảm. Vì thông tin thực tế về
Việt Nam ngày một nhiều hơn. Người dân gốc Việt ở hải ngoại đã tiếp cận được
thông tin. Trước đây, nhiều người đi biểu tình vì thiếu thông tin, a dua, tò
mò. Giờ chính họ lại thấy tham gia biểu tình là bất lợi, vô nghĩa. Do đó các
cuộc biểu tình càng lúc càng teo tóp. Gần đây, tại Hội đồng thành phố
Westminster có một cuộc tranh giành ngôi vị, đấu đá lẫn nhau. Chị có thể kể cho
chúng tôi biết thực chất vấn đề được không?
PTC: Tại Hội đồng thành phố Westminster, có ông thị trưởng Tạ
Ðức Trí, ông Nguyễn Mạnh Chí và bà bác sĩ Kimberly Hồ (Kim-bơ-li Hồ). Bà Hồ chỉ
là bác sĩ thẩm mỹ. Ðối với tôi, tư cách của bà Kimberly Hồ rất tầm thường khi
bà ta tuyên bố cờ đỏ sao vàng của Việt Nam là "lá cờ máu". Tôi rất
phản đối phát ngôn này, con người phải có máu trong cơ thể mới sống được. Mầu
đỏ của lá cờ đỏ sao vàng được tạo nên từ những giọt máu trong sạch của thanh
niên Việt Nam chứ không phải những kẻ như Kimberly Hồ. Họ mới đưa ra một nghị
quyết rất buồn cười là khi ý kiến của cá nhân không được đa số đồng thuận thì
sẽ không được đưa ra tranh luận.
NT: Báo chí hải ngoại đã không khách quan trong tự do ngôn luận.
Ðến giờ các ủy viên hội đồng thành phố Westminster - nơi vẫn được coi là
"sào huyệt" của những người chống cộng, cũng thể hiện sự bưng bít,
chụp mũ lẫn nhau để bảo vệ suy nghĩ của họ. Chị đánh giá thế nào về tình hình
tự do, dân chủ, nhân quyền trong cộng đồng của mình?
PTC: Tự do, dân chủ, nhân quyền trong cộng đồng người Mỹ gốc
Việt chỉ như một danh từ hão, như gia vị cho vào thêm một tô phở. Những kẻ như
Tạ Ðức Trí, Nguyễn Mạnh Chí, Kimberly Hồ không hiểu thế nào về tự do, dân chủ
của quê hương Việt Nam.
NT: Về thăm Việt Nam, chị đã nhìn thấy thực tế trên quê hương.
Rồi đây, chị trở về bên kia, vậy chị có còn sinh hoạt như trước đây không?
PTC: Tôi không tham gia các tổ chức chống cộng của người gốc
Việt nữa. Bởi, nếu tôi tham gia thì tôi dễ vì nóng mắt mà nổi điên lên! Các anh
đang tranh đấu sai. Các anh tự hào rằng mình yêu quê hương, đất nước nhưng
không chấp nhận sự thanh bình của đất nước. Các anh là những tên háo danh, vô
loại, và bất tài. Tôi không chơi với họ. Mục tiêu tự do, dân chủ cho quê hương
thì Ðảng Cộng sản Việt Nam đã làm được điều đó rồi. Bây giờ mình phải góp phần
giữ gìn sự thanh bình cho quê hương. Tại sao lại bỏ điều đó đi để đòi hỏi chiến
tranh? Không thể như thế được! Tôi vẫn sinh hoạt với bạn bè bình thường. Họ mà
đụng đến tôi thì tôi sẽ báo cảnh sát. Một lần, Ðào Minh Quân dọa sẽ kêu gọi 12
người đến nhà tôi biểu tình. Tôi nói đùa đó là "12 sư đoàn". Các tổ
chức này cũng đã mất uy tín với số người gốc Việt từng đi theo họ. Vì Ðào Minh
Quân là ai? Anh ta "chẳng có danh gì với núi sông", không là cái gì
mà tự nhận là "đệ tam cộng hòa" để chống lại Nhà nước Việt Nam. Tôi
cảm thấy mình có bổn phận phải góp phần cùng Nhà nước Việt Nam làm những người
còn u mê, chưa hiểu về Việt Nam phải dừng lại. Thay vào đó, hãy tham gia vào
các tổ chức sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại, như chương trình "Tiếng
Quê hương" của chúng tôi để cùng nhau xây dựng đất nước.
NT: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thẳng thắn này. Chúc chị luôn
mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp với quê hương, đất nước. Và cũng hy vọng cuộc
trò chuyện sẽ góp phần giúp người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nhận diện
rõ bản chất của các thành phần chống cộng ở nước ngoài, từ đó có suy nghĩ, hành
động đúng đắn vì Tổ quốc Việt Nam của chúng ta!
Nguồn: Nhandan.com.vn