Loa phường - Vừa
qua, trên các trang mạng phản động nước ngoài đã đăng tải nhiều bài viết cho rằng
trong năm 2020, đảng và chính phủ Việt Nam tiếp tục gia tăng thúc ép các công
ty có nền tảng mạng xã hội như Facebook và Youtube phải tăng cường kiểm duyệt,
gỡ bài viết, video bị dán nhãn là “chống phá” nhà nước. Đây là những nhận định
hết sức vô căn cứ, đi ngược lại lợi ích chung của toàn dân tộc.
Đài phản động RFA xuyên tạc Việt Nam vi phạm dân chủ
Chúng
ta đều biết rằng hệ thống thông tin của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, phục
vụ đắc lực sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu
thông tin của xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Lĩnh vực
viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện có sự phát triển mạnh mẽ, đạt được mục
tiêu số hóa hoàn toàn mạng lưới, phát triển nhiều dịch vụ mới, phạm vi phục vụ
được mở rộng, bước đầu hình thành những doanh nghiệp mạnh, có khả năng vươn tầm
khu vực, quốc tế. Hệ thống bưu chính chuyển phát, báo chí, xuất bản phát triển
nhanh cả về số lượng, chất lượng và kỹ thuật nghiệp vụ, có đóng góp quan trọng
cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của
đất nước.
Tuy
nhiên, tình hình an ninh thông tin ở Việt Nam đã và đang có những diễn biến phức
tạp. Các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động tăng cường
hoạt động tình báo, gián điệp, khủng bố, phá hoại hệ thống thông tin; tán phát
thông tin xấu, độc hại nhằm tác động chính trị nội bộ, can thiệp, hướng lái
chính sách, pháp luật của Việt Nam. Gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ
thống thông tin quan trọng quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh
quốc gia. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, qua kiểm tra, kiểm soát các cơ
quan chức năng đã phát hiện trên 850.000 tài liệu chiến tranh tâm lý, phản động,
ân xá quốc tế, tài liệu tuyên truyền tà đạo trái phép; gần 750.000 tài liệu
tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước được tán phát vào Việt Nam qua đường bưu
chính. Từ 2010 đến 2019 đã có 53.744 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có
tên miền .vn bị tấn công, trong đó có 2.393 lượt cổng thông tin, trang tin điện
tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước “.gov.vn”, xuất hiện nhiều cuộc tấn công mang
màu sắc chính trị, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm và vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực thông tin diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, thủ đoạn
tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng về nhiều mặt. Các hành vi phá hoại cơ sở hạ
tầng thông tin; gây mất an toàn, hoạt động bình thường, vững mạnh của mạng máy
tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và
hệ thống thông tin vô tuyến điện,… đã và đang gây ra những thiệt hại lớn về
kinh tế, xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức
và cá nhân. Theo kết quả đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav thực
hiện, trong năm 2019, chỉ tính riêng thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với
người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (tương đương 902 triệu USD), hơn
1,8 triệu máy tính bị mất dữ liệu do sự lan tràn của các loại mã độc mã hóa dữ
liệu tống tiền (ransomware), trong đó có nhiều máy chủ chứa dữ liệu của các cơ
quan, gây đình trệ hoạt động của nhiều cơ quan, doanh nghiệp.
Hệ thống
thông tin của Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm yếu, lỗ hổng bảo mật dễ bị khai
thác, tấn công, xâm nhập; tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước qua hệ thống thông
tin gia tăng đột biến; hiện tượng khai thác, sử dụng trái phép cơ sở dữ liệu,
tài nguyên thông tin quốc gia, dữ liệu cá nhân người dùng diễn biến phức tạp;
xuất hiện nhiều dịch vụ mới, hiện đại gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm
soát của các cơ quan chức năng. Thực tế nêu trên đã làm xuất hiện nhiều nguy cơ
đe dọa đến an ninh thông tin của Việt Nam ở cả bên trong và bên ngoài. Ở trong
nước, trước hết là nguy cơ tụt hậu về công nghệ, lệ thuộc vào công nghệ của nước
ngoài, nhất là hệ thống mạng lõi; phần mềm hệ thống, dịch vụ thông tin của nước
ngoài (nhất là dịch vụ mạng xã hội) dẫn tới mất chủ quyền nội dung số, tài
nguyên thông tin về các công ty công nghệ nước ngoài ngày càng nghiêm trọng
hơn; các đối tượng cơ hội, chống đối chính trị trong nước, triệt để sử dụng mạng
xã hội tán phát thông tin giả, thông tin xấu, độc nhằm gây rối nội bộ, kích động
biểu tình, bạo loạn.
Mặt
khác, các thế lực thù địch triệt để sử dụng hệ thống thông tin để tác động, can
thiệp nội bộ, hướng lái chính sách, thao túng dư luận, thúc đẩy “cách mạng màu”
ở Việt Nam; xâm phạm độc lập, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tiến
hành chiến tranh thông tin đối với Việt Nam. Các tổ chức phản động lưu vong, khủng
bố tăng cường hoạt động tấn công, phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an
ninh quốc gia; sử dụng không gian mạng để tán phát thông tin xấu, độc hại, kích
động biểu tình, bạo loạn; hình thành các hội, nhóm, các tổ chức chính trị đối lập,…
Các tổ chức tin tặc, tổ chức tội phạm thực hiện các cuộc tấn công mạng tự phát,
đơn lẻ hoặc có chủ đích nhằm vào hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia, làm tê
liệt, gây gián đoạn hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý kinh tế-xã
hội của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Trong
bối cảnh đó, việc Đảng, Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác đảm bảo an ninh
thông tin là điều hiển nhiên. Qua đó, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng,
sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước về an ninh thông tin. Nhất là, tập trung xây dựng, hoàn thiện chính
sách, pháp luật về bảo đảm an ninh thông tin, tạo môi trường pháp lý để bảo đảm
sự an toàn, tin cậy cho nền kinh tế số, cho việc chia sẻ dữ liệu số, cho quản
lý hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin qua biên giới vào
Việt Nam.