Sáng
12/11, đồng chí Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung
ương đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc sơ kết 5 năm thực
hiện Nghị quyết số 24 của Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu,
tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc
Mở
đầu buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức
Phát mong muốn qua buổi làm việc hôm nay, sẽ được lắng nghe những ý kiến của TP
về tình hình triển khai các mục tiêu thực hiện Nghị quyết 24; lắng nghe những
kiến nghị thiết thực của thành phố.
Chủ
động ứng phó
Theo
báo cáo của UBND TP Hà Nội, việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết số
24-NQ/TW đã nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi
nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ
môi trường; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng
trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.
TP
cũng xác định bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần
nâng cao đời sống nhân dân. Hà Nội đã tập trung xử lý ô nhiễm các
sông hồ, các làng nghề; đổi mới công tác thu gom rác; thu gom xử lý
nước thải sinh hoạt.
Đặc
biệt, TP cũng đã tiếp nhận vận hành 10 trạm quan trắc tự động
không khí, đưa vào hoạt động ổn định, truyền số liệu 24/24 giờ về Trung tâm
truyền nhận, xử lý, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường. Hoàn thành xây dựng,
đưa vào vận hành Trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục nước thải và Trạm
quan trắc môi trường di động, tự động không khí tại Khu liên hợp xử lý chất
thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.
Đáng
chú ý, Hà Nội đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu theo kết quả kịch bản
biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban
hành...
Khuyến
khích xã hội hóa bảo vệ môi trường
Tuy
nhiên, UBND TP cũng chỉ rõ, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, tổ
chức, doanh nghiệp và người dân về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thống
nhất. Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng
phó và khắc phục hậu quả mà chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa.
Kinh phí thực hiện Chương trình được phân bổ và giao vốn hàng năm từ Trung ương
còn gặp nhiều khó khăn...
Bên
cạnh đó, việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của một số doanh
nghiệp chưa nghiêm túc, thực hiện không đầy đủ theo quy định; tình trạng
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng một số cơ sở vẫn xảy ra, chưa được xử lý
dứt điểm, còn phát sinh thêm cơ sở mới.
Trong
thời gian tới, Hà Nội kiến nghị Trung ương ban hành các chính
sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ
giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ
cho mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã
hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch
hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện
với môi trường.
Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan Trung ương sớm có hướng dẫn xây dựng trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh, phù hợp với mạng lưới quốc gia và các quy chuẩn môi trường hiện hành…
Theo: Báo An ninh thủ đô