Vô
Danh
“Việt Nam duy trì chính sách kiểm soát
Internet, theo dõi, đánh sập các trang mạng xã hội, hạn chế thông tin và tiếp tục
vi phạm quyền của người sử dụng mạng, bất chấp luật lệ, đàn áp bloggers bằng
chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia...”, đây là những lý do khiến Việt Nam bị xếp
hạng 76 trên 88 quốc gia trong "phúc trình về Tự Do Internet 2016" được Freedom
House công bố ngày 14/11 vừa qua.
Điều dễ
nhận thấy, cái gọi là “phúc trình về Tự Do Internet 2016” mà Tổ chức Freedom
House đưa ra mới đây vẫn không có nội dung gì quá mới mẻ khi vẫn bằng cách làm
chủ quan, áp đặt, thiếu thiện chí Freedom House thường xuyên tự cho mình cái
quyền xếp nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam vào hàng “có vấn đề tự
do Internet”. Rõ ràng, đây là một sự xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, vu cáo, bôi
đen thực tế xã hội và thực trạng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Freedom
House là tổ chức phi chính phủ, thành lập tháng 10/1941, trụ sở đặt tại Hoa Kỳ.
Tổ chức này tự gán cho mình sứ mệnh “theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu,
khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại
các quốc gia trên thế giới”. Để thể hiện sứ mệnh, hàng năm Freedom House đều
công bố các văn bản gọi là phúc trình về tự do trên thế giới, báo cáo thường
niên về tự do báo chí, tự do Internet. Người ta không biết có bao nhiêu độ
khách quan, chuẩn xác trong đó; chỉ biết rằng đã có không ít quốc gia phản đối,
phê phán cách làm phiến diện, áp đặt của tổ chức hoạt động dưới sự tài trợ,
thao túng của Chính phủ Hoa Kỳ.
Tại Việt
Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong đó có tự do Internet được Hiến
pháp ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực thi. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp,
lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Luật
Viễn thông cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc “tạo điều kiện cho tổ
chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn
thông để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, đa dạng hóa
dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm
quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Điều
4, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và
thông tin trên mạng quy định cụ thể chính sách phát triển, quản lý Internet của
Nhà nước như sau: “1. Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế,
xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học,
công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc
sống. 2. Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho
cộng đồng người Việt Nam trên Internet. Đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh,
hữu ích lên Internet.”
“Phúc trình thường niên về Tự Do Internet 2016” lại xuyên tạc tự
do Internet tại VN (Ảnh Internet)
Từ năm
2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng
Internet lớn nhất thế giới. Theo số liệu được công bố hồi năm ngoái của Tổ chức
thống kê số liệu Internet quốc tế, tính đến tháng 6/2015,
Việt Nam có 45,5 triệu người dùng Internet, chiếm 48% dân số, đứng thứ 6 ở châu
Á về số người sử dụng Internet, chỉ sau Trung Quốc (674 triệu người), Ấn Độ
(354 triệu người), Nhật Bản (114,9 triệu người), Indonesia (73 triệu người),
Philippines (47,1 triệu người).
Riêng
với trang mạng xã hội Facebook, Việt Nam hiện được xếp trong nhóm những nước đứng
đầu thế giới về mức độ tăng trưởng số người sử dụng. Không chỉ Facebook, người
dân Việt Nam có rất nhiều kênh khác nhau để tiếp cận thông tin. Những năm gần
đây, truyền thông điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh chưa từng thấy với hàng
trăm tờ báo và tạp chí điện tử ra đời, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng
hợp được cấp phép, nhiều mạng xã hội được đăng ký hoạt động cùng một số lượng lớn
blog cá nhân.
Đây là
những minh chứng rõ rệt nhất cho thấy, tự do Internet của Việt Nam là sự thật không
thể bác bỏ.
Nhà nước
Việt Nam luôn tôn trọng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân được ứng
dụng công nghệ thông tin, mạng Internet vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhưng cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam không cho phép bất cứ ai lợi
dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, sử dụng công nghệ thông tin để vi phạm
pháp luật, đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội, đe dọa an
ninh quốc gia. Việt Nam không bao giờ đàn áp các blog, mà chỉ có các công dân
vi phạm pháp luật bị xử lý mà thôi.
Rõ ràng, cái gọi là “phúc trình về Tự Do Internet 2016” của tổ chức Freedom House với việc xếp Việt Nam vào một trong những nước không có tự do Internet là một cái nhìn phiến diện, thiếu thiện chí, thậm chí là thù địch của những người điều hành tổ chức này. Nếu muốn giữ uy tín của mình, tốt nhất Freedom House hãy từ bỏ việc can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, từ bỏ hành vi xuyên tạc và vu cáo Việt Nam như trong thời gian vừa qua./.